Bài phát biểu của Đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư­ TW Đảng...

In

Thứ sáu, 01 Tháng 8 2008 14:26

Bài phát biểu của Đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư­ TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW tại Hội thảo KH - Đồ Sơn, Hải Phòng, 25/7/2008

IMG_2634 Thưa các vị đại biểu,

Thưa các vị khách quý và các bạn,

Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự Hội thảo khoa học "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" của các đồng chí.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội thảo này của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng. Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng và đánh giá cao những thành tích và các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật công nghệ đã được giải thưởng, và mong rằng, các sáng tạo đó sớm được áp dụng vào sản xuất và đời sống.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Năm nay là năm thứ 3, cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và là năm thứ 2 nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mở ra trước nhân dân ta thời cơ lớn và thách thức mới. Giới khoa học chúng ta đang đứng trước sứ mệnh lịch sử mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, đó là cần có tầm nhìn mới rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, những nỗ lực to lớn hơn để thực sự góp phần trực tiếp vào sự phát triển của dân tộc, của đất nước. Như chúng ta đều biết, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá X) đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết quan trọng, trong đó, lần đầu tiên, Đảng ta đã bàn và ra Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Hội nghị đã phân tích sâu sắc về tình hình trí thức ở Việt Nam, đánh giá cao sự đóng góp to lớn, quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam, trong suốt quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới. Tuy nhiên trong tình hình mới, đội ngũ trí thức, trong đó có trí thức khoa học công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển đất nước, bộ phận tinh hoa, hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành thiếu, đội ngũ kế cận hẫng hụt, hoạt động khoa học công nghệ thiếu gắn bó mật thiết và chưa đáp ứng được nhu cầu cuả sản xuất kinh doanh và đời sống.

Để thực hiện được mục tiêu đến 2020, đất nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải tìm mọi cách phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của trí thức, vì vậy Đảng ta chủ trương từ nay đến năm 2020 xây dựng được đội ngũ trí thức lớn mạnh đạt chất lượng cao, số lượng đông và cơ cấu hợp lý, từng bước tiến tới ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và thế giới. Nghị quyết lần này đã khẳng định những quan điểm tư tưởng mới và quan trọng của Đảng đối với trí thức. Đó là xem việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá trúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến, có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Để thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo đó, nghị quyết đã chú trọng xác định một loạt nhiệm vụ và giải pháp vừa quan trọng vừa khả thi, như khẩn trương hoàn thiện môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức, ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học, giáo dục và đào tạo; có chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức... Tới đây cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể về vị trí vai trò của trí thức, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích và bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia tư vấn phản bịên các dự án phát triển kinh tế xã hội. Rất mong các đồng chí tổ chức nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 7 và xây dựng tốt chương trình hành động thiết thực, mang tính sáng tạo cao và tìm ra những giải đáp cần thiết trong thời gian tới bằng hoạt động thực tiễn khoa học công nghệ của mình.

Tôi nghĩ rằng, đối với trí thức khoa học công nghệ, mục tiêu sáng tạo của các đồng chí là tạo ra hàng hoá khoa học, công nghệ mới, phong phú, dồi dào cho thị trường khoa học công nghệ phát triển. Khoa học công nghệ phải giải quyết những vấn đề đặt ra hàng ngày không những của từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất mà trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức xúc mà cuộc sống đặt ra. Chúng ta phải xã hội hoá hoạt động khoa học công nghệ, phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào khoa học, công nghệ, nghiên cứu tiếp thu những công nghệ hiện đại của thế giới bằng cách đi tắt, đón đầu và tạo ra bước đột phá như các đồng chí đã làm trong công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí tự động hoá, công nghệ sinh học.

Tôi được biết, năm 2008 các đồng chí sẽ tiếp tục tổ chức trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ với trọng tâm cho các công trình thuộc lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Ý tưởng này rất đáng hoan nghênh, vì hướng trọng tâm vào các lĩnh vực mũi nhọn và cấp thiết của việc phát triển. Mặt khác, rất chú trọng các giải pháp công nghệ thúc đẩy nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt lúc này, các nhà khoa học, cả khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội cần tìm ra những giải pháp hữu hiệu góp phần giúp Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện an sinh xã hội và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đó là đưa kiến thức khoa học và công nghệ vào quản lý vĩ mô nền kinh tế, gắn các biện pháp khoa học công nghệ vào việc tiết kiệm năng lượng và tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu các sản phẩm có thể sản xuất được ở trong nước. Sử dụng tri thức khoa học công nghệ để tăng nhanh khối lượng nông sản hàng hoá cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Tôi đề nghị các đồng chí cần nghiên cứu và đưa lĩnh vực khoa học xã hội, quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô và vi mô vào nội dung xét tặng Giải thưởng trong năm nay và những năm tới vì đây là lĩnh vực khoa học mà chúng ta còn nhiều bất cập. Chúng ta cần mở rộng lĩnh vực giải thưởng sao cho mọi người dân có phát minh, sáng chế, có công trình đều có cơ hội tham gia và đoạt giải thưởng. Tôi tin chắc rằng theo hướng đó, Giải thưởng VIFOTEC sẽ ngày càng có uy tín cao hơn, được mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành một cuộc vận động sáng tạo lớn và một phong trào thi đua thiết thực của cả nước, vì cả nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương cần coi việc tổ chức giải thưởng này là công việc thường xuyên hàng năm để khuyến khích các cán bộ khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước phát huy cao tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái chúc các nhà khoa học, các nhà quản lý, các vị khách quý và các bạn có mặt tại đây và qua các vị gửi tới đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học trong cả nước lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và lập nhiều thành tích mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 và Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chúc hội nghị thành công.

Ban biên tập

 


Tin mới hơn: